Viêm xoang ở trẻ em không phải bệnh hiếm gặp và rất dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm khi không được điều trị đúng cách. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết viêm xoang ở trẻ là gì? Cách điều trị bệnh hiệu quả như thế nào? Tìm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây.

Viêm xoang ở trẻ em là gì?

Viêm xoang ở trẻ em là bệnh lý nhiễm trùng các xoang do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Đây là bệnh lý khá phổ biến, thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Theo tài liệu của Bệnh viện Tai mũi họng Trung Ương, tỷ lệ trẻ bị viêm xoang chiếm 1,7% trong tổng số các ca mắc bệnh tai mũi họng và đang có dấu hiệu gia tăng. Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ được chẩn đoán viêm xoang chiếm khoảng 6,6% các ca đến thăm khám tại cơ sở này và tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 6 tuổi. 

Viêm xoang ở trẻ em cũng được chia thành 3 dạng dựa trên thời gian diễn biến bệnh: Viêm xoang cấp tính (triệu chứng bệnh kéo dài dưới 4 tuần); Viêm xoang bán cấp (các triệu chứng có thể diễn biến trong khoảng từ 4 - 8 tuần) và viêm xoang mạn tính (thời gian kéo dài ít nhất từ 8 - 12 tuần dù đã được điều trị).

viem-xoang-o-tre-em-khong-phai-benh-hiem-gap.webp

Viêm xoang ở trẻ em không phải bệnh hiếm gặp

Triệu chứng viêm xoang ở trẻ 

Theo chuyên gia, do kích thước xoang còn rất nhỏ, đôi khi chỉ là một rãnh hằn vào xương, bởi vậy các triệu chứng viêm xoang ở trẻ em không rõ ràng như người lớn. Hệ thống xoang ở trẻ cũng đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, chúng có liên hệ mật thiết với nhau nên thường bị viêm cùng một lúc.    

Bên cạnh đó, khi mới sinh, trẻ chỉ có xoang sàng, nằm ở trên hốc mũi, giữa 2 bên mắt và dưới trán một chút. Khoảng 3 - 4 tuổi, xoang hàm mới xuất hiện. Và tới 7 - 8 tuổi, xoang bướm và xoang trán hình thành. Chính vì vậy, triệu chứng viêm xoang ở trẻ em có những điểm khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi. Cụ thể:

- Ở trẻ dưới 2 tuổi, các triệu chứng viêm xoang khá giống với bệnh cảm lạnh, điển hình như: Sốt nhẹ, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong… Nếu sau khoảng 3 - 4 ngày, các triệu chứng không thuyên giảm mà có diễn tiến nặng hơn, nước mũi có màu vàng hoặc xanh đặc, có mùi hôi, ho nhiều vào ban đêm, dễ nôn ọe, hơi thở ngắn do bị nghẹt mũi, ngủ ngáy, quấy khóc,... Lúc này, phụ huynh hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám, bởi đây có thể là biểu hiện của viêm xoang kèm các bệnh nhiễm trùng khác như viêm phế quản, viêm phổi hay nhiễm trùng tai… rất nguy hiểm.

- Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, các triệu chứng thường thấy của viêm xoang là ho khan vào ban ngày, ngạt mũi, chảy nước mũi, ngủ không ngon giấc, cơ thể mệt mỏi… Trẻ cũng có thể bị đau đầu, nặng vùng mặt, phù nề quanh mắt, đau răng,...

Trong trường hợp trẻ bị viêm xoang mạn tính, các triệu chứng bệnh thường kéo dài nhưng với mức độ nhẹ hơn. Trẻ có thể bị sốt nhẹ từng đợt, ho nhiều ngày, khàn tiếng, đau tai, ù tai, ngạt mũi, sổ mũi, khứu giác kém nhạy…

cac-trieu-chung-viem-xoang-o-tre-tuong-doi-kho-chiu.webp

Các triệu chứng viêm xoang ở trẻ em tương đối khó chịu

Nguyên nhân gây viêm xoang ở trẻ em

Nguyên nhân gây viêm xoang ở trẻ em khá đa dạng, nhưng phổ biến hơn là các virus, vi khuẩn và nấm. Vi khuẩn thường gặp, chủ yếu là các chủng gây bệnh đường hô hấp như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Pseudomonas aeruginosa, E.coli, Klebsiella,... Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ di chuyển ngược dòng từ vùng hầu họng, tấn công lên các hốc xoang, gây viêm xoang ở trẻ. 

Bên cạnh đó, viêm xoang ở trẻ em cũng thường bắt nguồn từ các bệnh lý như:

- Viêm đường hô hấp trên: Trẻ thường có các biểu hiện như sốt nhẹ, ngứa rát họng, ho, ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ,..

- Viêm mũi dị ứng: Trẻ có thể gặp triệu chứng hắt xì hơi liên tục, khò khè, chảy nước mũi trong, xuất hiện ran ở phổi…

- Hen phế quản: Phế quản co thắt khiến trẻ khó thở từng cơn.

- Suy giảm miễn dịch: Trẻ sinh non, hoặc có cha mẹ mắc AIDS; Trẻ bị bệnh rối loạn miễn dịch dễ bị viêm xoang hơn.

- Trẻ có các bất thường giải phẫu về hốc mũi như vẹo vách ngăn, quá phát VA vòm, VA vòi,...

Khi không được điều trị triệt để, bệnh tái phát liên tục hoặc kéo dài dai dẳng khiến niêm mạc mũi bị phù nề, các hốc xoang bị tắc dẫn đến ứ đọng dịch lâu ngày gây viêm xoang.

Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm xoang ở trẻ em như: Suy dinh dưỡng, gầy yếu; Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, hóa chất, bụi bẩn, sống trong môi trường ô nhiễm; Trẻ có cơ địa dị ứng, viêm VA, viêm amidan

di-ung-cung-la-yeu-to-thuc-day-khien-tre-de-mac-viem-xoang.webp

Dị ứng cũng là một yếu tố thúc đẩy khiến trẻ dễ bị viêm xoang

Viêm xoang ở trẻ có nguy hiểm không?

Viêm xoang ở trẻ em có thể tiềm ẩn các biến chứng nguy hiểm tại các cơ quan kế cận hoặc xa hơn khi không được điều trị kịp thời. Các biến chứng viêm xoang ở trẻ thường gặp là:

- Tại các cơ quan kế cận: Viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm tai giữa ứ dịch, viêm phế quản mạn tính, viêm dây thần kinh thị giác, viêm ổ mắt, viêm tấy ổ mắt, viêm mí mắt, viêm túi lệ…

- Các biến chứng xa tuy ít gặp nhưng có thể đe dọa tới tính mạng trẻ như: Viêm não, viêm màng não, áp-xe não, nhiễm trùng huyết,...

Do vậy, các bậc phụ huynh không nên chủ quan với bệnh viêm xoang ở trẻ, cần điều trị kịp thời, đúng cách và dứt điểm ngay từ đầu. 

Chẩn đoán viêm xoang ở trẻ em 

Để chẩn đoán bệnh viêm xoang ở trẻ, các bác sĩ cần tiến hành một số kiểm tra cận lâm sàng bao gồm:

- Nội soi mũi: Nếu trẻ bị viêm xoang, khi nội soi mũi sẽ thấy dịch nhầy đặc chảy từ cửa mũi sau xuống họng, niêm mạc mũi phù nề.

- Chụp X-quang Blondeau và Hirtz: Bác sĩ sẽ thấy hình ảnh xoang mờ, niêm mạc mũi dày và mức dịch khí bên trong các xoang từ đó xác định được mức độ nghiêm trọng của bệnh và hướng điều trị cụ thể. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cân nhắc thực hiện khi nghi ngờ có biến chứng của viêm xoang do ảnh hưởng nặng nề của tia chụp với trẻ. 

- Chụp CT Scan: Quan sát rõ hình ảnh tổn thương, thay đổi về cấu trúc giải phẫu xoang xoang. Phương pháp này cũng giúp bác sĩ định hướng phẫu thuật trong trường hợp trẻ bị viêm xoang mạn tính cần can thiệp ngoại khoa.

- Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, trẻ có thể được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI, siêu âm xoang, xét nghiệm dịch (dịch mũi xoang, dịch vòm họng)…

noi-soi-mui-hong-giup-chan-doan-viem-xoang-o-tre.webp

Nội soi mũi họng giúp chẩn đoán viêm xoang ở trẻ em

Phương pháp điều trị cho trẻ bị viêm xoang

Để lựa chọn được cách chữa viêm xoang cho trẻ em hiệu quả, các chuyên gia sẽ căn cứ vào nguyên tắc điều trị, từ đó lựa chọn thuốc cùng các phương pháp hỗ trợ phù hợp như sau:

Nguyên tắc điều trị

Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ và thời gian kéo dài của các triệu chứng viêm xoang ở trẻ em để đưa ra những chỉ định điều trị phù hợp, các nguyên tắc chung bao gồm:

- Điều trị triệu chứng lâm sàng để đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho trẻ. Đối với trẻ bị viêm xoang cấp thời gian điều trị khoảng 7 - 14 ngày. Trong trường hợp viêm xoang mạn tính có thể kéo dài 4 - 6 tuần.

- Bên cạnh việc điều trị triệu chứng cần kiểm soát nguyên nhân và các yếu tố khiến tình trạng viêm xoang ở trẻ em dễ tái phát hoặc nặng nề hơn như: Suy giảm miễn dịch, trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng, bất thường cấu trúc giải phẫu vùng mũi xoang…

Thuốc điều trị viêm xoang ở trẻ

Thuốc điều trị viêm xoang ở trẻ em thường bao gồm: Kháng sinh, kháng viêm và chống dị ứng. 

- Thuốc kháng sinh nhóm Beta – lactam, Cephalosporin thế hệ 1 hoặc 2, Macrolid… điều trị trong khoảng từ 7 - 14 ngày.

- Thuốc chống dị ứng: Nếu trẻ bị dị ứng dẫn tới viêm xoang thì dùng thuốc kháng histamin. Hoặc các loại thuốc chống dị ứng khác để giảm kích ứng, viêm.

-  Thuốc giảm sung huyết mũi giúp thông thoáng mũi và các lỗ thông xoang như Oxymetazoline 0,05%, Xylometazolin 0,05%…

- Xịt Corticoid tại chỗ để giảm phù nề niêm mạc mũi xoang.

Lưu ý những loại thuốc chống xuất huyết mũi và các loại kháng histamin cần thận trọng dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Không nên tự ý mua và cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ định của bác sĩ.

Nếu trẻ có các triệu chứng viêm xoang kéo dài trên 12 tuần hoặc tái phát liên tục từ 4 - 6 lần với mức độ nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thì buộc phải điều trị ngoại khoa, phẫu thuật bảo tồn xoang mũi. 

thuoc-dieu-tri-viem-xoang-o-tre-gom-khang-sinh-khang-histamin.webp

Thuốc điều trị viêm xoang ở trẻ gồm kháng sinh, kháng histamin

Một số phương pháp hỗ trợ điều trị viêm xoang ở trẻ em

Bên cạnh việc cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định, các chuyên gia tai mũi họng cũng khuyên cha mẹ nên áp dụng một số phương pháp hỗ trợ điều trị viêm xoang ở trẻ em như sau:

- Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau củ quả, uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước, làm loãng dịch mủ trong mũi xoang.

- Rửa mũi cho trẻ với dung dịch nước muối sinh lý hàng ngày là một cách an toàn và hiệu quả, giúp giữ độ ẩm cho xoang và mũi, làm sạch khoang mũi. Điều này giúp giảm đáng kể triệu chứng khó chịu gây ra bởi tình trạng viêm xoang.

- Cha mẹ cũng có thể xông mũi họng để kháng khuẩn, làm thông thoáng đường thở, giúp trẻ dễ chịu hơn bằng các tinh dầu tự nhiên như: Bạch đàn, bạc hà, tràm, húng quế…

- Hoặc bạn có thể dùng khăn hoặc túi chườm ấm áp nhẹ lên mũi, má, mắt trẻ để giảm đau các vùng trên mặt, tạo cảm giác thư giãn và dễ chịu hơn.

- Đặc biệt, việc sử dụng các sản phẩm xịt mũi họng từ thảo dược để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm xoang ở trẻ ngày càng được nhiều các bậc phụ huynh tin tưởng lựa chọn. Nổi bật là sản phẩm chứa thành phần chính Hinokitiol từ cây tuyết tùng đỏ kết hợp với các thảo dược quý như kim ngân hoa, lược vàng, xạ can… Tác dụng của Hinokitiol đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên toàn thế giới, giúp vận chuyển kẽm vào tế bào, tăng cường hệ miễn dịch.  Đồng thời Hinokitiol cũng có hoạt tính kháng khuẩn, chống viêm mạnh. Từ đó, giúp tiêu diệt virus, vi khuẩn, phòng và hỗ trợ trị sổ mũi, ngạt mũi, viêm xoang hiệu quả, an toàn. 

Phòng ngừa viêm xoang ở trẻ em như thế nào?

Để phòng ngừa viêm xoang ở trẻ, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp thiết thực sau đây:

- Tránh để trẻ tiếp xúc với người mắc các bệnh đường hô hấp để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

- Để trẻ tránh xa khói thuốc lá, các tác nhân gây dị ứng như lông động vật, khói bụi, phấn hoa…

- Rèn cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh và hạn chế để trẻ chạm tay lên mặt, đặc biệt là mắt - mũi - miệng.

- Vệ sinh nhà cửa, giường chiếu, đồ chơi, các vật dụng sạch sẽ để hạn chế nấm mốc. 

- Bổ sung đủ chất dinh dưỡng và khuyến khích trẻ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.

bo-sung-du-chat-dinh-duong-de-phong-viem-xoang.webp

Bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để phòng viêm xoang

Qua bài viết, hy vọng bạn đã hiểu thêm về viêm xoang ở trẻ em, nắm được các nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng cũng như biện pháp chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh hiệu quả. Mọi thắc mắc cần giải đáp, bạn hãy để lại ở phần bình luận bên dưới. Chuyên gia của chúng tôi sẽ sớm liên hệ lại.

Links tham khảo

https://www.enthealth.org/conditions/pediatric-sinusitis

https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=sinusitis-in-children-90-P02063

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/sinusitis-in-children