Viêm mũi xuất tiết là bệnh khá phổ biến, gây ra nhiều triệu chứng cho người mắc. Vậy nguyên nhân, triệu chứng viêm mũi xuất tiết là gì? Cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả như thế nào? Để tìm câu trả lời, bạn đừng bỏ qua những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây.

Viêm mũi xuất tiết là gì? 

Viêm mũi xuất tiết (còn gọi viêm mũi họng xuất tiết, hay viêm mũi sung huyết) là tình trạng niêm mạc mũi, họng sung huyết lan tỏa, phù nề, tiết nhiều dịch nhầy. Bệnh gây ra các triệu chứng khó chịu và thường kéo dài trong khoảng từ 5 - 7 ngày. Viêm mũi xuất tiết phổ biến hơn trong thời điểm giao mùa chuyển từ nóng sang lạnh, thời tiết thay đổi thất thường. 

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có hệ miễn dịch suy giảm. Theo chuyên gia, viêm mũi xuất tiết phân thành nhiều dạng, trong đó 2 loại chính là: Viêm mũi xuất tiết dị ứng và không dị ứng. 

Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi xuất tiết?

Viêm mũi xuất tiết là bệnh đường hô hấp phổ biến, dễ tái phát, có thể ảnh hưởng tới nhiều đối tượng khác nhau. Vậy viêm mũi xuất tiết do nguyên nhân nào gây ra? Theo chuyên gia, các yếu tố thường gặp dẫn đến viêm mũi xuất tiết bao gồm:

- Virus, vi khuẩn: Những virus gây bệnh đường hô hấp thường gặp như respiratory syncytial, influenzae, parainfluenzae, sởi, adenovirus, rhinovirus, enterovirus…; Các loại vi khuẩn thường gặp: Haemophilus influenzae, Streptococcus Pneumoniae, Moraxella catarrhalis, Klebsiella Pneumoniae, Chlamydia Trachomatis, Staphylococcus Aureus… có thể xâm nhập, tấn công niêm mạc mũi, họng, gây kích ứng, tổn thương, dẫn đến viêm mũi xuất tiết.

- Môi trường và thời tiết: Môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, khí thải công nghiệp, xe cộ… hoặc thời tiết thay đổi quá nhanh cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.

- Tác nhân dị ứng: Phấn hoa, lông động vật, không khí lạnh, khói thuốc lá, nấm mốc… có thể kích hoạt bệnh viêm mũi dị ứng xuất tiết, đặc biệt là ở những người cơ địa nhạy cảm.

Ngoài ra, chế độ ăn uống không hợp lý, thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, đường muối, chất kích thích cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc viêm mũi xuất tiết.

viem-mui-xuat-tiet-do-virus-vi-khuan-gay-ra.webp

Viêm mũi xuất tiết do virus, vi khuẩn gây ra

>>> Xem thêm: 11 nguyên nhân gây đau họng thường gặp - Tìm hiểu ngay TẠI ĐÂY!

Triệu chứng viêm mũi xuất tiết thường gặp

Các triệu chứng của viêm mũi xuất tiết khá giống với viêm mũi dị ứng. Nhưng với viêm mũi xuất tiết, dịch nhầy còn xuất hiện cả ở họng gây ho nhiều, có đờm, khàn tiếng, mệt mỏi, khó chịu. Các triệu chứng đặc trưng của viêm mũi xuất tiết bao gồm:

Triệu chứng lâm sàng

Dấu hiệu điển hình của viêm mũi xuất tiết bao gồm:

- Ngạt mũi: Nghẹt ở cả 2 bên mũi, mức độ thường tăng lên nếu độ ẩm không khí thấp hoặc ban đêm khi ngủ.

- Sổ mũi: Nước mũi chảy liên tục, nhiều, chất nhầy có thể đục, nhưng không có mùi hôi.

- Cổ họng đau, khô và rát: Tuyến chất nhầy hoạt động quá mức do niêm mạc mũi, họng tổn thương khiến người bệnh có cảm giác ngứa họng, khô, thèm uống nước, nhưng nuốt thấy vướng, đau.

- Ho khan, khàn tiếng: Dịch tiết từ mũi chảy xuống dưới, khiến niêm mạc họng kích ứng, gây ho, giọng nói bị biến đổi, khàn đặc.

Triệu chứng cận lâm sàng

- Niêm mạc mũi, họng thấy xung huyết lan toả, phù nề nhiều, đôi khi cũng có thể bầm tím ở quanh mũi.

- Cuốn mũi dưới sưng to, đỏ, làm hẹp đường thở, nhưng còn đáp ứng tốt với thuốc co mạch. Sàn mũi và ngách mũi dưới ứ đọng nhiều dịch nhầy.

- Niêm mạc họng bị tấy đỏ, nhất là phần trụ trước và sau, thành sau của hầu họng.

viem-mui-xuat-tiet-gay-ra-nhieu-trieu-chung-kho-chiu.webp

Viêm mũi xuất tiết gây ra nhiều triệu chứng khó chịu

Viêm mũi xuất tiết có nguy hiểm không?

Ở mức độ cấp tính, viêm mũi xuất tiết không gây ra nhiều nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh. Các triệu chứng chủ yếu làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc và học tập của người mắc. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài và diễn tiến sang mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho các cơ quan khác và rất khó điều trị dứt điểm. Các biến chứng thường gặp bao gồm:

- Tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp khác: Tai – mũi – họng đều có mối liên hệ trực tiếp với nhau thông qua các ống nối. Do đó một số bệnh lý có thể khởi phát nếu không điều trị viêm mũi xuất tiết đúng cách như viêm tai giữa, viêm phế quản, giảm thị lực, hen suyễn, viêm mũi xoang xuất tiết bội nhiễm…

- Biến chứng tại mắt: Các dây thần kinh tại mũi và mắt rất gần nhau, do đó những viêm nhiễm tại mũi có thể gây ra các bệnh lý như viêm tuyến lệ, viêm kết mạc mắt, áp-xe mí mắt,... khiến thị lực giảm sút, thậm chí mù lòa.

- Biến chứng não: Tình trạng bội nhiễm nặng có thể khiến các virus, vi khuẩn ngày càng phát triển, tấn công lên não và gây ra các biến chứng nguy hiểm như  nhiễm trùng não, áp xe não…

viem-mui-xuat-tiet-tiem-an-nhieu-bien-chung-nguy-hiem.webp

Viêm mũi xuất tiết tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm

Viêm mũi xuất tiết khám ở đâu?

Viêm mũi xuất tiết không gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể tiềm ẩn những biến chứng nghiêm trọng. Khi có các dấu hiệu như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi,...  bạn nên thăm khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa Tai mũi họng uy tín, chẳng hạn như:

1. Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương - Địa chỉ: 78 Đường Giải Phóng - Đống Đa - Hà Nội

Bệnh viện được trang bị với nhiều thiết bị hiện đại như máy nội soi tai mũi họng, hệ thống máy điều trị laser, máy cắt coblator… Đây là bệnh viện tiếp nhận điều trị các bệnh lý chuyên sâu về tai mũi họng có quy mô lớn ở thủ đô Hà Nội.

2. Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Bạch Mai - Địa chỉ: Nhà A5, Bệnh viện Bạch Mai, số 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội

Bệnh viện cũng trang bị đầy đủ các hệ thống thiết bị hiện đại, mang lại hiệu quả điều trị cao. Bên cạnh đó, bệnh viện có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về Tai mũi họng.

3. Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Y học cổ truyền Tai Mũi Họng Quân dân 102 - Địa chỉ: Số 7 Ngách 8/11 Đường Lê Quang Đạo, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Là đơn vị tiên phong trong ứng dụng phương pháp Đông y có biện chứng (kết hợp các ưu điểm của Đông – Tây y) trong thăm khám, điều trị bệnh các bệnh tai mũi họng. Ngoài phương pháp điều trị chính bằng thảo dược, Bệnh viện YHCT Tai mũi họng Quân dân 102 còn đầu tư, phát triển nhiều kỹ thuật hỗ trợ điều trị hiệu quả như: Bấm huyệt, massage, châm cứu…

4. Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Địa chỉ: Số 1, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Bệnh viện có hệ thống trang thiết bị cùng các kỹ thuật khám và điều trị thường xuyên đổi mới. Đồng thời luôn cập nhật những nghiên cứu mới trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu khám chữa các bệnh tai mũi họng của người dân.

5. Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM - Địa chỉ: 153 - 155 - 157 Trần Quốc Thảo, Phường 9, Quận 3, TP.HCM.

Đây là bệnh viện chuyên khoa về khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng, tập trung các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành. Đồng thời, cũng được đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh các tỉnh phía Nam.

6. Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, phường 11, Quận 5, TPHCM.

Quy tụ đội ngũ các chuyên gia, bác sĩ giỏi có trình độ chuyên môn cao. Đây cũng là nơi thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật kỹ thuật cao về tai mũi họng. Người bệnh có kết quả tích cực, phục hồi nhanh sau phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn.

benh-vien-tai-mui-hong-trung-uong-noi-kham-chua-viem-mui-xuat-tiet-dau-nganh.webp

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương - Nơi khám chữa viêm mũi xuất tiết đầu ngành

Chẩn đoán viêm mũi xuất tiết

Để chẩn đoán viêm mũi xuất tiết, chuyên gia sẽ tiến hành khám lâm sàng, nội soi mũi họng, thăm dò niêm mạc mũi bằng que thăm đầu tù để đánh giá mức độ phù nề, sung huyết. Người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm dịch mũi họng để tìm ra nguyên nhân gây viêm mũi xuất tiết. Trong một số trường hợp đặc biệt, chuyên gia sẽ yêu cầu tiến hành chụp X-quang, chụp MRI… hoặc một số phương pháp công nghệ cao khác.

Phương pháp điều trị viêm mũi xuất tiết 

Hiện nay, các phương pháp điều trị có thể áp dụng cho người viêm mũi xuất tiết bao gồm:

Điều trị tây y

Tùy vào mức độ, khả năng đáp ứng và thể trạng của mỗi người, chuyên gia sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Vậy người bị viêm mũi xuất tiết uống thuốc gì? Một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm mũi xuất tiết là:

- Thuốc kháng Histamin: Loratadin, Desloratadin, Cetirizin… có khả năng ức chế và ngăn chặn quá trình giải phóng histamin – một chất trung gian gây dị ứng.

- Thuốc chống viêm chứa corticoid: Một số loại thuốc nhỏ hoặc xịt chứa Corticoid như Polydexa, Collydexa, Flixonase… có tác dụng kháng viêm, chống nhiễm khuẩn tốt. Thường dùng để cải thiện tình trạng sưng viêm, phù nề mũi do dị ứng. Với những trường hợp nặng hơn, chuyên gia có thể kết hợp thêm thuốc chống viêm dạng uống như Dexamethason, Prednisolon,…

- Thuốc co mạch, chống sung huyết: Naphazolin, Xylometazolin,… có tác dụng giảm phù nề, sung huyết niêm mạc mũi, họng, cải thiện tình trạng ngạt mũi, chảy nước mũi…

thuoc-dieu-tri-viem-mui-xuat-tiet-thuong-gom-khang-histamin-chong-viem-co-mach.webp

Thuốc điều trị viêm mũi xuất tiết thường gồm: Kháng histamin, chống viêm, co mạch…

Một số mẹo trị viêm mũi xuất tiết tại nhà

Mẹo trị viêm mũi xuất tiết tại nhà như rửa mũi bằng nước muối sinh lý, dùng tỏi kết hợp mật ong,... nên được áp dụng thường xuyên để cải thiện triệu chứng nhanh chóng và phòng ngừa tái phát. 

- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý, giúp rửa trôi bụi bẩn, virus, vi khuẩn gây hại, đồng thời làm loãng, đẩy dịch nhầy ra ngoài nhanh hơn. Bạn chỉ cần nghiêng đầu 45 độ, xịt nước muối loãng 0,9% trực tiếp vào một bên mũi phía trên rồi để nước tự chảy ra ngoài qua cánh mũi còn lại. Thực hiện tương tự với bên mũi còn lại và nên áp dụng cách này 2 - 3 lần một ngày.

- Sử dụng tỏi kết hợp mật ong: Người bệnh có thể dùng 1 củ tỏi, bóc vỏ, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt. Hòa tan nước cốt này với mật ong theo tỷ lệ 1:1. Sau đó dùng tăm bông bôi, hoặc nhỏ dung dịch này vào trong hốc mũi. Để yên khoảng 5 phút rồi rửa lại với nước và xì sạch mũi. Thực hiện cách này đều đặn 2 - 3 lần/ ngày, các triệu chứng viêm mũi xuất tiết sẽ được cải thiện.

- Xông hơi trị viêm mũi xuất tiết: Giúp sát khuẩn, làm sạch vùng mũi họng bị viêm và hỗ trợ điều trị, cải thiện triệu chứng bệnh. Người bệnh có thể dùng tinh dầu tràm, bạc hà hoặc lá kinh giới, trầu không, bạc hà, tía tô… để xông mũi họng mỗi ngày.

- Sử dụng sản phẩm xịt mũi họng chứa hinokitiol trong cây tuyết tùng đỏ kết hợp các thảo dược như kim ngân hoa, xạ can, lược vàng… Hinokitiol là một monoterpenoid tự nhiên đã được nghiên cứu và chứng minh có tác dụng vận chuyển kẽm vào tế bào giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời có tính kháng khuẩn, chống viêm mạnh. Từ đó, giúp tiêu diệt virus, vi khuẩn, làm sạch mũi, họng, cải thiện triệu chứng và phòng ngừa viêm mũi xuất tiết hiệu quả, an toàn.

>>> Xem thêm: Khắc phục viêm mũi dị ứng thời tiết cực dễ nhờ 9 mẹo đơn giản

Biện pháp phòng ngừa viêm mũi xuất tiết hiệu quả

Để phòng ngừa viêm mũi xuất tiết, điều cần thiết là nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt trong thời điểm giao mùa, đồng thời cũng cần giữ nhà cửa sạch sẽ, lau dọn thường xuyên để tránh nấm mốc, bụi bẩn.

Ngoài ra, nếu có cơ địa mẫn cảm, bạn cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như lông động vật, bụi phấn, nước hoa, khói thuốc lá... Đặc biệt khi đi ngoài đường, hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi thì việc chuẩn bị cho mình một chiếc khẩu trang rất quan trọng.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần tăng cường tập thể dục thể thao mỗi ngày, bổ sung đủ dưỡng chất và vitamin cần thiết. Tránh căng thẳng, làm việc quá sức để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh.

tap-the-duc-hang-ngay-giup-phong-ngua-viem-mui-xuat-tiet.webp

Tập thể dục hàng ngày giúp phòng ngừa viêm mũi xuất tiết

Với những thông tin hữu ích về bệnh viêm mũi xuất tiết trong bài viết, hy vọng bạn đã có thêm kiến thức cần thiết, hiểu được nguyên nhân, triệu chứng, các biện pháp điều trị, phòng ngừa hiệu quả. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận, chuyên gia của chúng tôi sẽ sớm liên hệ lại với bạn. 

Links tham khảo

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8556565

https://thorax.bmj.com/content/54/1/33

https://emedicine.medscape.com/article/134825-overview